Số 18 Hoàng Hữu Nhân, Phường Đông Khê, Quận Ngô Quyền, Thành Phố Hải Phòng, Việt Nam T2 - T7: 7h30 - 17h00
Ngôn ngữ: Tiếng Việt English Chinese
Tin tức

IOT LÀ GÌ?

Ngày 03-05-2024 Lượt xem 6665

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ IoT (THE INTERNET OF THINGS)

Nhắc đến sự phát triển của thời đại công nghiệp 4.0, một trong những khái niệm nhận được sự quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới chính là Internet Vạn Vật hay còn được gọi là Internet of things (IoT). Sự phát triển của IoT hứa hẹn sẽ đem lại những tác động mạnh mẽ lên nhiều mặt của công việc và đời sống. Mona Media sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về IoT cùng những đặc trưng cơ bản của hệ thống này và một vài ứng dụng nổi bật trong cuộc sống.

1. IoT là gì?

IoT là gì?

Tìm hiểu về thuật ngữ IoT

IoT (Internet of things) được dịch sang tiếng Việt với nhiều tên gọi khác nhau như Internet Vạn Vật, Mạng lưới thiết bị kết nối Internet, Mạng lưới vạn vật kết nối Internet,… Trong đó, thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất là Internet Vạn Vật.

  • Internet trong thuật ngữ chỉ hệ thống kết nối, hệ thống liên mạng được sử dụng cho việc tiếp nhận, xử lý, truyền tải, chia sẻ thông tin, dữ liệu.
  • Things (vạn vật) dùng để chỉ tất cả các thiết bị trong thực tế, được kết nối và trở thành một phần của mạng lưới thông tin, dữ liệu. Dựa trên một vài ứng dụng thực tế, các thiết bị nằm trong “vạn vật” của IoT có thể kể đến máy theo dõi nhịp tim, xe cảm biến tích hợp, nhà ở thông minh, đồng hồ đeo tay thông minh,…

IoT là một liên mạng với sự tham gia của nhiều thành phần. Trong đó, các thiết bị, phương tiện sẽ được bổ sung và tích hợp thêm các bộ phận điện tử, phần mềm cũng như các loại cảm biến giúp chúng vừa có thể thu thập dữ liệu, vừa có thể kết nối qua mạng máy tính để truyền và chia sẻ các dữ liệu đó. Hệ thống các thiết bị, phương tiện thông minh này sẽ tạo nên một cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thông tin.

Bạn có thể hình dung đơn giản về IoT như sau:

  • Các thiết bị và phương tiện thông minh ban đầu là các thiết bị, phương tiện thông thường mà chúng ta hay sử dụng, ví dụ như ô tô, đồng hồ, máy hút bụi,… Chúng sẽ được tích hợp các thiết bị cảm biến, giúp chúng thu thập thông tin thực tế như hình ảnh đường đi, các đồ vật trên đường, đo nhịp tim,…
  • Tiếp đó, các dữ liệu được thu thập sẽ được truyền tải qua hệ thống mạng Internet. Những dữ liệu này sẽ được tải lên, xử lý và chia sẻ trên môi trường ảo. Quá trình này có thể tạo ra các lệnh, các chương trình giúp điều khiển hoạt động của thiết bị ban đầu.
  • Thiết bị, phương tiện thông minh sẽ tiếp nhận các lệnh mới thông qua dữ liệu đường truyền của mạng và tiến hành các nhiệm vụ được đặt ra.

Như vậy, với việc ứng dụng IoT, các thiết bị trong cuộc sống có thể trực tiếp kết nối và được điều khiển từ xa thông qua Internet, hạn chế sự tham gia trực tiếp từ con người. Quá trình kết nối các yếu tố thực và ảo này không chỉ đánh dấu một bước phát triển về công nghệ mà nó còn là tiền đề giúp thúc đẩy những bước phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống tương lai.

2. Nguồn gốc IoT

Nguồn gốc IoT

Trên thực tế, các yếu tố của IoT dường như đã nhen nhóm xuất hiện cách đây nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, phải đến năm 1999, lần đầu tiên cụm từ Internet of Things chính thức ra đời. Trong những năm tiếp theo, sự bùng nổ của công nghệ và sự lan tỏa của mạng Internet đã tạo ra một nền tảng thuận lợi giúp IoT tiếp tục phát triển.

Năm 2016, IoT bắt đầu được quan tâm nhiều hơn khi có những bước tiến thực sử nổi bật. Bằng việc kết hợp nhiều công nghệ hiện đại như kết nối không dây, phân tích dữ liệu trên thời gian thực, machine learning, cảm biến,… các ứng dụng đầu tiên của IoT ngày càng hoàn thiện và đem đến những lợi ích thiết thực cho công việc và cuộc sống. Cũng nhờ vậy mà trong vài năm trở lại đây, IoT trở thành một đề tài nóng, được nhiều người quan tâm, theo dõi.

3. Đặc trưng của IoT (internet of thing)

Đặc trưng của IoT

Khả năng định danh

Các đối tượng tham gia vào IoT, bao gồm cả thiết bị, phương tiện và con người, đều sẽ được định danh và mọi hoạt động đều được tiến hành thông qua cách thức định danh này. Việc định danh được thực hiện giúp phân biệt và phân loại các nhóm đối tượng nhờ đó mà quy trình thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu được tiến hành chính xác và hiệu quả hơn.

Cách thức định danh của IoT khá đa dạng, ví dụ như dùng mã QR, mã vạch, NFC, địa chỉ IP,… Tuy nhiên, các thông tin định danh này cần đảm bảo yếu tố độc nhất, tránh sự nhầm lẫn giữa các đối tượng hoặc thiết bị.

Thông minh

Các yếu tố của trí tuệ nhân đạo đã và đang được cân nhắc để ứng dụng phát triển các thiết bị trong mạng lưới IoT. Mục tiêu là để tạo ra các thiết bị thông minh, được bổ sung đầy đủ các thiết bị thu thập, xử lý thông tin và có thể tự động thực hiện các nhiệm vụ nhất định, dựa trên tình huống và môi trường thực tế. Đồng thời, các dữ liệu, thông tin cũng sẽ được chia sẻ chung cho nhiều loại thiết bị khác nhau để sử dụng theo các tính năng riêng.

Phức tạp

Trên thực tế, hệ thống kết nối của IoT vô cùng phức tạp. Hệ thống này bao gồm mọi đường liên kết, kết nối giữa các thiết bị với nhau, giữa các thiết bị cũ và các công nghệ, yếu tố mới, giữa các thiết bị thực tế và những dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng Internet. Cũng chính vì đặc trưng này, việc vận hành và ứng dụng IoT không hề đơn giản, tốn nhiều thời gian và công sức thực hiện.

Kích thước của IoT

Tính sơ bộ, một hệ thống IoT có thể liên kết 50 đến 100 nghìn tỉ đối tượng khác nhau, từng đối tượng đều giữ một vai trò nhất định trong việc chia sẻ và sử dụng dữ liệu. Trên thực tế, hiện nay chúng  ta vẫn chưa khai thác được nhiều tài nguyên của hệ thống này.

Theo Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ Gartner, Inc., trên thế giới sẽ có khoảng 26 tỷ thiết bị tham gia vào hệ thống IoT trong năm 2020. Con số này hứa hẹn sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng trong những năm tiếp theo.

4. Lợi ích của IoT

Lợi ích của IoT

Nâng cao hiệu quả công việc

IoT thúc đẩy quá trình khai thác, trao đổi và sử dụng dữ liệu trong nhiều công việc khác nhau. Điều này tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác quản lý, nghiên cứu, sản xuất và chế tạo sản phẩm, giúp nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ, đem đến những sản phẩm và chất lượng đáp ứng đúng nhu cầu của người dùng.

Trong hầu hết mọi công việc, bằng việc ứng dụng IoT một cách phù hợp, bạn có thể nhận được sự hỗ trợ thiết thực, giúp hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Các ứng dụng của IoT hướng đến việc tạo ra những sản phẩm, thiết bị, đồ dùng, phương tiện thông minh hơn, tiện ích hơn. Qua đó, dần dần cải thiện điều kiện, môi trường sống và giúp hình thành những thói quen sống hiện đại. Nhờ sự tham gia của các thiết bị công nghệ và IoT, tất cả công việc thường ngày đều  có thể giảm bớt, được đơn giản hóa, tự động hóa.

5. Một số ứng dụng cơ bản của IoT

  • Quản lý hạ tầng: Hệ thống IoT tham gia vào việc giám sát và kiểm sát các hoạt động liên quan đến xây dựng, quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng. IoT sẽ thu thập dữ liệu về quy trình triển khai các dự án, lên kế hoạch sửa chữa và bảo trì hiệu quả, tham gia vào quy trình xử lý các sự cố,…
  • Y tế: Các thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe trong hệ thống IoT thực hiện thu thập các chỉ số của người bệnh, tiến hành cảnh báo và gửi dữ liệu đến bác sĩ, những người chăm sóc khi cần thiết.
  • Nhà ở: Hệ thống IoT được ứng dụng vào quá trình thiết kế, xây dựng nhà ở sẽ tạo ra các căn nhà thông minh có khả năng tự động hóa cao. Các thiết bị sẽ dựa trên tình huống thực tế của môi trường, nhu cầu của chủ nhà để tiến hành các nhiệm vụ từ đơn giản đến phức tạp, tạo ra sự thuận tiện và thoải mái tối đa, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài một vài ứng dụng cơ bản kể trên, IoT còn được sử dụng cho nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, bảo mật thông tin, quản lý năng lượng, xe thông minh tự lái,…

Hy vọng với những chia sẻ từ Mona Media bạn đã có cái nhìn rộng mở hơn về IOT và có thể có những ý tưởng, quyết định đúng đắn cho công việc, tương lai của mình.

Gọi ngay: 02253.250.552
SMS: 02253.250.552 Chat qua Messenger Chat Zalo Wechat